Tiền Giang là mảnh đất của lịch sử – văn hóa Nam Bộ mà trong đó Chùa Vĩnh Tràng là một nhân tố quan trọng làm nên bản sắc nơi đây. Ngôi chùa tồn tại xuyên suốt ba thế kỉ này luôn được nhắc đến như một điểm hành hương không nên bỏ lỡ khi đặt chân đến Tiền Giang.
Địa chỉ chùa Vĩnh Tràng rất dễ tìm vì chùa nằm ngay tại con đường Nguyễn Trung Trực, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Mỗi ngày, chùa đón tiếp gần 1000 khách tham quan, trong đó có khoảng 300 vị khách nước ngoài. Ngoài danh hiệu “ngôi chùa lớn nhất Tiền Giang”, ngôi chùa còn có vô số những điều thú vị khác.
Điểm du lịch Tiền Giang này được xây dựng vào thế kỉ 19 bởi vợ chồng ông Bùi Công Đạt – một vị quan dưới triều vua Minh Mạng (1820 – 1840). Sự hình thành ngôi chùa trước hết bắt nguồn từ tấm lòng thơm thảo của người dân địa phương.
Năm 1894, Hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”. Cũng chính vì ý nghĩa cao quý đó, ngôi chùa được người dân yêu mến gọi là chùa Vĩnh Tràng.
Cho đến khi có được vẻ bề ngoài khang trang như hôm nay, ngôi chùa đã biến đổi không ít dưới bàn tay của các đời hòa thượng khác nhau. Năm 1907, Hòa thượng Trà Chánh Hậu cho sửa chữa phần chánh điện, pha trộn cả nét kiến trúc Á – Âu. Năm 1930, Hòa thượng Minh Đằng cho trùng tu toàn diện, tạo nên bộ mặt mới khác lạ của chùa.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chùa Vĩnh Tràng còn là nơi che giấu, nuôi dưỡng các chiến sĩ cách mạng. Dù địch phát hiện và nhiều lần tàn phá nhưng vẫn không thể làm hư hỏng được ngôi cổ tự. Cho đến nay, nơi đây đã một biểu tượng không thể thay thế trong lòng người dân địa phương.
Chùa tọa lạc trên khu diện tích 14.000m², dài 70m, rộng 20m, xây dựng bằng cả xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, xung quanh xây tường vững chắc. Đặt chân đến nơi đây, khách du lịch sẽ không khỏi ngạc nhiên khi cảm nhận được sự hài hòa Á – Âu hoàn hảo trong kiến trúc chùa Vĩnh Tràng.
Cổng tam quan với nghệ thuật ghép bằng mảnh sành, sứ qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xưa đã xếp đặt thành nhiều bức tranh minh họa sự tích nhà Phật, truyện tích dân gian, đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá, mây trời… với sự hòa sắc tuyệt vời như tranh vẽ.
Mặt trước của tiền đường tạo cảm giác như đi lạc vào một ngôi chùa nước ngoài với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc. Chắc chắn đây là lần đầu tiên bạn chiêm ngưỡng những tiểu xảo kiến trúc độc đáo lạ mắt như: bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú, vòm cửa kiểu La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật,… Nói không ngoa thì chùa Vĩnh Tràng chẳng khác nào một bảo tàng kiến trúc thu nhỏ.
Nét đẹp châu Á là thứ người ta sẽ cảm nhận rõ hơn khi tiến vào bên trong. Tạo nên sự vững chãi của chùa là hệ thống các hoành phi, tượng gỗ được chạm khắc khéo léo, tinh xảo.
Bốn cột cái của chùa Vĩnh Tràng Mỹ Tho Tiền Giang đều treo long trụ. Nét đặc biệt là đôi long trụ này có lối sắp xếp bố cục độc đáo có một không hai: chạm chim phượng đứng trên đầu rồng. Có thể nói toàn bộ cái đẹp của chùa đều tập trung vào nghệ thuật tạo hình, trong đó phần tượng chiếm đa số.
Trong chùa Vĩnh Tràng tỉnh Tiền Giang có trên 60 tượng phật đúc bằng gỗ, đồng, đất nung, xi măng. Tất cả các pho tượng đều được thếp vàng óng ánh. Bên cạnh những pho tượng, hiện vật chùa còn có Đại Hồng Chung mang tên Pháp Bảo. Chuông cao 1,2 mét, nặng khoảng 150 kg và hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị.
Không gian bên trong chùa là nơi tập trung nhiều tác phẩm mỹ thuật của các thế hệ nghệ nhân khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Tại chùa còn có Bộ tượng mười tám vị La Hán không thua kém về mặt nghệ thuật so với tượng các vị La Hán chùa Tây Phương.
Trong khuôn viên chùa có tượng Phật Di Lặc trong tư thế ngồi giữa công viên, có chiều dài 27m, chiều rộng 18 m, cao 20m và nặng khoảng 250.000kg bằng chất liệu bê tông, cốt thép. Bên trong pho tượng phật A di đà chùa Vĩnh Tràng được tận dụng thiết kế cơ quan làm việc của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang, có giảng đường, nơi nghỉ phục vụ cho 200 người.
Phía sau chùa là Đài Quan Âm với pho tượng Phật Quan Âm trong tư thế nằm. Ngoài ra, chùa còn có nhiều hạng mục mới đầu tư xây dựng như: Quảng trường, hồ nước, hệ thống đèn chiếu sang, bồn hoa, cây xanh, sân bãi… rất trang nhã, sạch đẹp.
Để phục vụ du khách, chùa Vĩnh Tràng mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Các chư tăng, chức sắc trong chùa đều thay nhau trực tiếp khách, sẵn sàng thuyết minh, hướng dẫn khi du khách cần.
Hiện nay, chùa Vĩnh Tràng vẫn đang tiếp tục đầu tư, xây dựng một số công trình để phục vụ cho công tác Phật sự và nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách như: Giảng đường, Bảo Tháp, hàng rào… Công trình nào cũng được đầu tư và tiến hành hết sức cẩn thận, thể hiện trọn vẹn lòng yêu mến của người dân dành cho ngôi cổ tự tỉnh Tiền Giang.
Năm 1984, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận ngôi chùa Tiền Giang này là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Chùa Vĩnh Tràng với nét đẹp kiến trúc độc đáo và giá trị tâm linh đang ngày càng chứng tỏ mình là một địa điểm du lịch Tiền Giang không thể bỏ qua.
_____
Theo VNTrip.vn
Chợ nổi Cái Bè không chỉ mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long mà nơi đây còn là địa điểm du lich hấp dẫn giúp du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Chợ nổi Cái Bè họp và cũng như văn hóa mua bán truyền thống của người dân miền Tây.
Biển Tân Thành hay còn gọi là bãi biển Gò Công Đông nằm ở xã Tân Thành huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, cách trung tâm Thành Phố Mỹ Tho 50 km, cách Thành Phố Hồ Chí Minh khoảng 70km theo Quốc lộ 50. Bãi biển này kéo dài khoảng 7 km, sở hữu những triền cát đen trải dài thực sự ấn tượng. Nói không ngoa khi nơi đây là một trong những bãi biển cát đen thú vị nhất Việt Nam.